Lợi cho cả người dân và cơ sở y tế

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Trong đó có nội dung đề xuất thêm gói bảo hiểm y tế bổ sung tự nguyện.

Đề xuất thêm gói bảo hiểm y tế bổ sung
Tham gia bảo hiểm y tế bổ sung, người bệnh được trả thêm các chi phí ngoài phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế. Ảnh minh hoạ

Bộ Y tế cho biết, chính sách bảo hiểm y tế bổ sung đã được thực hiện hiệu quả ở nhiều quốc gia. Do đó, trong lần sửa đổi này, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định mang tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định về bảo hiểm y tế bổ sung tự nguyện, do các cơ sở kinh doanh bảo hiểm thực hiện đối với các đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Điều này để đa dạng hóa các gói quyền lợi theo nhu cầu và khả năng của người dân.

Theo Bộ Y tế, đối với người dân, trường hợp tham gia bảo hiểm y tế bổ sung, người bệnh được trả thêm các chi phí đồng chi trả, các chi phí ngoài phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế, các chi phí theo yêu cầu và các chi phí gia tăng khác.

Quy định này hầu như không có tác động kinh tế tiêu cực đến người lao động, vì là chính sách tự nguyện, khi người bệnh có điều kiện kinh tế thì họ lựa chọn và quyết định việc tham gia.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến ngày 31/12/2023, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,628 triệu người, tương ứng với tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh.

Hiện tại, mức đóng bảo hiểm y tế đối với hộ gia đình được quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau: người thứ nhất: 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai: 70% mức đóng của người thứ nhất (3,15% mức lương cơ sở); người thứ ba: 60% mức đóng của người thứ nhất (2,7% mức lương cơ sở); người thứ tư: 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi: 40% mức đóng của người thứ nhất.

Từ ngày 1/7/2023, khi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình cho người thứ nhất là 972.000 đồng/năm, người thứ 2 là 680.400 đồng, người thứ ba trong gia đình là 583.200 đồng; người thứ tư là 486.000 đồng, từ người thứ 5 là 388.800 đồng/năm.

Còn đối các cơ sở y tế, Bộ Y tế cho rằng, việc thực hiện các quyền lợi bảo hiểm y tế bổ sung giúp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nâng cao chất lượng, thu hút thêm người bệnh sử dụng các dịch vụ gia tăng, tạo thêm nguồn thu cho cơ sở để tái đầu tư phục vụ người bệnh.

Tạo tác động tích cực đến doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm

Theo Bộ Y tế, quy định việc tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc do Nhà nước thực hiện là điều kiện để tham gia bảo hiểm y tế bổ sung tự nguyện sẽ có tác động tích cực đến doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Đề xuất thêm gói bảo hiểm y tế bổ sung
Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế bổ sung tự nguyện có thể tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Ảnh: Luyện Vũ

Cụ thể, chính sách này có nhiều ưu điểm, khi bảo hiểm bổ sung được liên kết với bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ giúp cho sản phẩm có thêm sức hút đối với người tham gia, do các quyền lợi vượt trội.

Đồng thời, sẽ có nhiều quy định của luật bảo đảm quyền lợi của người tham gia so với bảo hiểm sức khỏe hiện hành chỉ dựa vào hợp đồng, do doanh nghiệp xây dựng quyền lợi, có nhiều trùng lắp. Vì vậy, khi thực hiện chính sách bảo hiểm y tế bổ sung tự nguyện, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm sẽ được tăng doanh thu.

Cụ thể, năm 2021 có khoảng 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, tỷ lệ tham gia bảo hiểm sức khỏe chiếm khoảng 4%. Dự kiến đến năm 2025 có khoảng 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, nên có thể tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm bổ sung trong số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường ước đạt 116.404 tỷ đồng, nếu tăng thêm 4% tương đương với doanh thu 34.921 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm sức khỏe/bảo hiểm bổ sung có thể chiếm đến 30% doanh thu tăng thêm.

Ngoài ra, quy định việc tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc do Nhà nước thực hiện là điều kiện để tham gia bảo hiểm y tế bổ sung tự nguyện, có thể góp phần tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, từ đó góp phần tăng nguồn thu của Quỹ Bảo hiểm y tế.

Thống kê cho thấy, năm 2022, tỷ lệ dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc khoảng gần 8%. Theo Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2020 có gần 4 triệu người, tương đương khoảng 4% dân số có bảo hiểm sức khỏe do các công ty kinh doanh bảo hiểm thực hiện.

Như vậy, nếu lấy ở mức thấp nhất chỉ thêm 1% dân số đang có bảo hiểm sức khỏe chuyển sang, hoặc đồng thời tham gia bảo hiểm y tế thì ước tính Quỹ Bảo hiểm y tế của Nhà nước có thể thu thêm ở mức trung bình là khoảng 538 tỷ đồng mỗi năm.

Từ năm 2010 đến năm 2022, Quỹ Bảo hiểm y tế đảm bảo cân đối thu chi và có kết dư, góp phần tạo ra nguồn tài chính ổn định cho công tác khám, chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.